Rẻ hơn khoảng 1/3 so với thiết bị nhập ngoại nhưng lại hơn hẳn về công năng là những ưu điểm của máy rửa dụng cụ y tế “made in Vietnam”.
Với sự giúp đỡ của các cộng sự thuộc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ P.E (Petech) TP.HCM, kỹ sư Phan Mạnh Hùng đã hoàn thành dự án của mình sau hơn 3 năm nghiên cứu. Vào tháng 8.2008, bệnh viện Nhi đồng 2 là đơn vị đầu tiên đưa máy rửa dụng cụ y tế AutoMed Cleaner, thành quả của anh Hùng và các cộng sự, vào ứng dụng. Theo TS.BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện, máy rửa dụng cụ y tế của Petech đáp ứng được yêu cầu chống nhiễm khuẩn và hoàn toàn có thể thay thế thiết bị nhập ngoại.
Tự động hóa cho khâu xử lý dụng cụ y tế
Từ trước đến nay, các bệnh viện thường áp dụng 2 cách rửa dụng cụ y tế: Rửa bằng tay hoặc sử dụng thiết bị nhập ngoại. Phổ biến vẫn là phương pháp rửa bằng tay do các bệnh viện không đủ kinh phí mua máy ngoại. Nhưng cách này thì không phải lúc nào cũng đảm bảo được an toàn. Khảo sát mới đây của Bộ Y tế cho thấy, những bệnh nhân phải qua phẫu thuật có nguy cơ nhiễm khuẩn từ bệnh viện cao hơn 2-4 lần so với những bệnh nhân không phải mổ, do có tiếp xúc với dụng cụ y tế.
Điều này đã được kỹ sư Hùng nhận biết nhờ từng có thời gian làm việc trong ngành y. Anh đã cùng các cộng sự nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm trên nhằm khắc phục nhược điểm này. “Sản phẩm của chúng tôi giải quyết được khuyết điểm của cả 2 phương pháp rửa dụng cụ y tế thông dụng hiện nay”, anh khẳng định.
Đối với phương pháp rửa bằng tay, 1 chiếc máy AutoMed Cleaner có thể thay thế 8 cho người. Theo anh Hùng, do máy hoàn toàn tự động, độ ổn định cao nên việc xử lý dụng cụ y tế luôn được đảm bảo, kể cả với dụng cụ phức tạp như ống nội soi (có tới 20 ống phun đa năng). Đặc biệt, AutoMed Cleaner có thể tiết kiệm được 50% hóa chất khử trùng do được trang bị bồn điện tử tự động, lưu lại dung dịch
khử khuẩn và nước sạch để tái sử dụng. Thời gian xả bỏ dung dịch khử khuẩn là 14 hoặc 28 ngày nếu dùng Cidex,hoặc tùy loại dung dịch chọn theo qui trình của mỗi bệnh viện.
Đối với phương pháp sử dụng máy nhập khẩu để rửa, tiêu biểu như máy Getting đang được một vài bệnh viện sử dụng, chiếc máy “made in Vietnam” của Petech có phần vượt trội hơn. Máy Getting
sử dụng công nghệ cũ, rửa phun bằng cánh tay quay như máy rửa chén dân dụng, còn AutoMedCleaner kết hợp được 3 công nghệ rửa mới (rửa siêu âm, rửa phun áp lực đa điểm, rửa xoáy dòng áp lực).
Kỹ sư Phan Trí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Petech, cho biết: “Với xu hướng toàn cầu hóa về công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu và chế tạo nhiều sản phẩm công nghệ cao để đáp ứng và thay thế dần các trang thiết bị nhập ngoại đang được sử dụng trong ngành y tế. Từ đó, phát triển thành ngành công nghệ chế tạo thiết bị y tế, không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu”.
Hoàn thiện hệ thống khử trùng
Cùng lúc với AutoMed Cleaner, kỹ sư Hùng và các cộng sự còn cho ra đời các loại máy như máy tự động sấy khô nhiệt độ thấp (AutoMed Dryer), máy tự động đóng gói vô trùng (AutoSter Pack) để hoàn thành một hệ thống tự động khử trùng dụng cụ y tế khép kín (AutoSterLab). Đến nay, không chỉ riêng bệnh viện Nhi đồng 2 mà gần chục bệnh viện ở Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Trị, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bình Dương… cũng đã đặt hàng Công ty Petech.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống khử trùng dụng cụ y tế AutoSterlab được kỹ sư Hùng tóm tắt như sau: Bắt đầu sẽ là máy AutoMed Cleaner, dụng cụ y tế bẩn, nhiễm khuẩn sẽ được đưa vào máy, rửa bằng sóng siêu âm (để làm mềm, giảm sự gắn kết của các chất bẩn bám vào dụng cụ). Sau đó là rửa phun áp lực đa điểm (rửa sạch hoàn toàn chất bẩn bám vào dụng cụ) và rửa dòng xoáy áp lực (làm trôi và loại bỏ cặn bẩn). Cuối cùng là rửa khử khuẩn và rửa sạch lại bằng xoáy dòng nước áp lực cao.
Sau khi được rửa sạch, dụng cụ sẽ được chuyển qua máy AutoMed Dryer để sấy khô. Buồng sấy kín trong máy sẽ làm nóng dụng cụ bằng khí khô ở nhiệt độ thấp (cao nhất là 65 độ C), tự động hút chân không buồng sấy, làm nước bám trên dụng cụ nhanh chóng chuyển thành thể hơi và thoát ra ngoài.
Sau đó, máy sẽ tự động thổi, hút đảo chiều, làm khô hoàn toàn các lòng ống, dây của dụng cụ.
Tiếp đó, dụng cụ được đưa vào túi nylon và đặt vào buồng khử trùng, đóng gói tự động (sử dụng máy AutoSterPack). Hệ thống Ozone Plasma trong máy sẽ tự động tạo (từ nguồn ôxy y tế cấp vào 5lit/phút) và phun khí vào các túi nylon đang chứa dụng cụ để khử trùng. Hệ thống đóng gói tự động sẽ hàn kín miệng túi vào cuối chu trình, đảm bảo toàn bộ dụng cụ được đóng gói vô trùng. Hệ thống khử trùng tia UV đa chiều ở khâu cuối cùng đảm bảo cả mặt ngoài của túi cũng được xử lý sạch trước khi được bệnh viện lưu vào kho.