Tin tức
NHIỀU PHÒNG MỔ KHÔNG ĐẠT TIÊU CHUẨN VI SINH

 

Nhiều phòng mổ không đạt tiêu chuẩn vi sinh

Thứ năm 01/07/2010 07:00

Một kết quả khảo sát vi sinh vật trong không khí tại 33 phòng mổ, phòng hồi sức tại 13 bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM mới đây của Viện Vệ sinh y tế công cộng cho thấy, tỉ lệ không đạt tiêu chuẩn (dựa theo tiêu chuẩn phòng phẫu thuật của Merck 2009 về tổng số vi sinh vật từ 10-200cfu/m3) lên đến 78,8%.

Theo ThS Nguyễn Quốc Tuấn – Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, kết quả khảo sát trên được thực hiện tại 13 BV, gồm: BV thuộc Bộ Y tế (Thống Nhất); BV thuộc Sở Y tế TPHCM (Từ Dũ, Nhi Đồng 1, Nguyễn Tri Phương, An Bình, Bình Dân, Nhân Dân Gia Định, BV quận 10) và BV tư nhân (FV, Vạn Hạnh, Hoàn Mỹ, Triều An).

Các mẫu không khí tại các phòng phẫu thuật và phòng hồi sức được lấy bằng thiết bị chuyên dụng MAS 100 của Merck, sau đó đem phân tích các chỉ tiêu chỉ dành cho nhiễm trùng BV gồm: Tổng số vi khuẩn hiếu khí, bào tử nấm mốc, streptococcus aureus, pseudomonas aeruginosa tại khoa Sức khoẻ môi trường thuộc Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM.

Cũng theo ông Tuấn, kết quả cho thấy số lượng vi sinh vật trong không khí phòng mổ, phòng hồi sức của 13 BV tại TPHCM được lấy mẫu biến thiên từ 64,2-1247,8 cfu/m3. So với tiêu chuẩn phòng kỹ thuật của Merck 2009 có giới hạn cho phép về tổng số vi sinh vật từ 10-200 cfu/m3 thì số phòng mổ và phòng hồi sức đạt tiêu chuẩn chỉ vọn vẹn 7/33 phòng (chiếm 21,2%). Điều này có nghĩa là số phòng mổ, phòng hồi sức không đạt tiêu chuẩn về vi sinh lên đến 78,8%.

Thống kê mới nhất của ngành y tế cho thấy, trong số 7,5 triệu bệnh nhân nhập viện hàng năm tại VN thì có khoảng 600.000 trường hợp nhiễm khuẩn BV (chưa kể số nhân viên y tế bị phơi nhiễm). Theo Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn BV, bệnh nhân khi bị nhiễm khuẩn BV thường kéo dài thời gian nằm viện từ 9 ngày đến 24 ngày và làm tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 triệu đến hơn 32 triệu đồng.

Nghiên cứu của Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn cho thấy, có 5 loại nhiễm khuẩn thường gặp: nhiễm khuẩn phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiêu hoá, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn máu.

Ở những bệnh nhân bị phẫu thuật, nguy cơ NKBV cao gấp 2,4 lần so với điều trị nội khoa. Nguy cơ này ở những bệnh nhân mổ cấp cứu cao hơn 1,4 lần so với người mổ chương trình. Một khi đã nhiễm khuẩn BV, người bệnh sẽ có nhiều biến chứng và có thể mắc thêm nhiều bệnh khác, phải dùng nhiều loại kháng sinh sẽ dẫn đến tăng sự kháng thuốc của vi khuẩn, tăng chi phí điều trị, trường hợp xấu hơn có thể dẫn đến tử vong .....


 

Võ Tuấn

(Đường link gốc : http://laodong.com.vn/Y-te/Nhieu-phong-mo-khong-dat-tieu-chuan-vi-sinh/26104.bld )